(Baonghean.vn) - Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đã cận kề, nhưng cô giáo Kha Thị Tý không mong mình sẽ nhận được những bó hoa, những món quà. Cô chỉ ước mình đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho giáo dục vùng cao, để giúp con đường đến với con chữ của trẻ em nơi đây vơi bớt những khó khăn.

Người mẹ đặc biệt ở 'ốc đảo' Chà Lâng ảnh 1

Bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương. Ảnh: Đức Anh

Nằm trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, chưa có đường thẳng từ trung tâm huyện Tương Dương vào, xã nghèo Hữu Khuông được ví von như một "ốc đảo". Trên cái "ốc đảo" này, nằm ở độ cao trên 1.200m so với mặt nước biển, bản Chà Lâng là nơi định cư của người Mông. Bản có 48 hộ, với 317 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 chiếm 79,1%.

Người mẹ đặc biệt ở 'ốc đảo' Chà Lâng ảnh 2

Cô Kha Thị Tý có thể dạy “song ngữ", sử dụng cả tiếng Mông và tiếng Việt. Ảnh: Đức Anh

Từ thị trấn Hòa Bình vào bản Chà Lâng là hành trình nhọc nhằn, mất cả ngày đường với nhiều chặng lên xe, xuống thuyền, đi bộ, leo dốc. Cuộc sống nơi đây thiếu thốn đủ bề từ gạo, muối, cho đến nước sinh hoạt.

Bản Chà Lâng nghèo lắm nhưng nơi đây người dân hồn hậu, chân chất. Nơi đây, tôi có rất nhiều đứa con".

CÔ GIÁO KHA THỊ TÝ - GIÁO VIÊN ĐIỂM TRƯỜNG BẢN CHÀ LÂNG

Vậy mà, với cô giáo Kha Thị Tý, bản Chà Lâng đẹp và ấm áp vô cùng. "Vào những buổi sáng sớm hay tối muộn, đứng ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn ở đỉnh cao này mới thấy hết vẻ lung linh kỳ vĩ và huyền ảo của khoảnh khắc giao thoa giữa ngày và đêm. Bản Chà Lâng nghèo lắm nhưng nơi đây người dân hồn hậu, chân chất. Nơi đây, tôi có rất nhiều đứa con".

Người mẹ đặc biệt ở 'ốc đảo' Chà Lâng ảnh 3

Giờ lên lớp của cô giáo Kha Thị Tý. Ảnh: Đức Anh

Năm học 2022-2023 này đã là năm thứ 3, cô giáo Kha Thị Tý (49 tuổi đời và 30 năm tuổi nghề) vào dạy học ở bản Chà Lâng. Cô giáo Tý kể: Nhà tôi vẫn ở xã Tam Thái. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp sư phạm thì tôi vào dạy ở Trường Tiểu học Tam Hợp, lập gia đình rồi ở lại với xã biên giới này luôn. Chồng tôi quê ở Nam Định, nay đây mai đó làm nghề, kiếm tiền, cùng vợ nuôi con. Để sự học của con tốt hơn, 2 vợ chồng đã gửi con về quê nội. Không phụ lòng ông bà, bố mẹ, cháu học rất giỏi, đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), rồi đậu vào Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Năm học 2019 - 2020, tôi được điều chuyển về dạy ở điểm trường bản Chà Lâng, Trường Tiểu học Hữu Khuông. Bây giờ lâu lâu tôi mới lại về Tam Thái, Tam Hợp 1 lần, 1 năm 2 lần về Nam Định.

Người mẹ đặc biệt ở 'ốc đảo' Chà Lâng ảnh 4

Lãnh đạo địa phương, bản Chà Lâng trao đổi với cô Kha Thị Tý. Ảnh: Đức Anh

Về với điểm trường bản Chà Lâng - một trong những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An, cô giáo Kha Thị Tý xa nhà cắm bản, đi lại vất vả và thiệt thòi hơn về mặt chế độ. Dẫu vậy, bản thân cô đã không bỏ cuộc mà luôn cố gắng để cùng các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên chở ánh sáng tri thức đến với trẻ vùng cao. Nhiều năm gắn bó với cộng đồng người Mông, cô Tý đã thành thạo tiếng Mông như tiếng mẹ đẻ, rất thuận lợi trong giao tiếp, giảng dạy học trò. Người dân bản Chà Lâng nhớ mãi hình ảnh chiếc xe máy của cô Tý được hàn thêm những giá sắt, chất trên đó là thùng hàng "thồ" gạo, mắm, muối, lại vừa có tác dụng giá đỡ để khi leo dốc đường trơn trượt nếu ngã thì cô giáo cũng đỡ đau và dễ dàng dựng xe lên đi tiếp.

Ở bản Chà Lâng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Bố mẹ các em học sinh thường đi làm ăn xa, các em ở với ông bà. Lúc này cô Kha Thị Tý cùng đồng nghiệp lại đóng vai trò "làm bố, làm mẹ" của các em ở điểm trường Chà Lâng. Chậu giặt của các thầy, cô lúc nào cũng đầy ắp áo quần bẩn của học sinh. Sau mỗi buổi học, các em vẫn quấn quýt bên cô không rời, xem cô Tý như người mẹ thứ hai.

Khi được hỏi về tâm tư của người giáo viên cắm bản trong thời khắc ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam cận kề, cô Kha Thị Tý vẫn chẳng dành một lời để nói về bản thân mình, mà tất thảy đều kể về học sinh thân yêu. Cô kể về những học trò nhỏ thiệt thòi của mình, kể về một nữ sinh mồ côi cha mẹ học rất giỏi và muốn được đi học cao hơn nữa. "Nhờ các cơ quan chức năng xem có thể cho cháu về ở tại Làng trẻ SOS được không?" - cô Tý tha thiết bày tỏ./.